Sở GD&ĐT Hà Nội trao tặng danh hiệu NGƯT của Chủ tịch nước cho nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021. Ảnh: TG

TS Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT làm rõ một số điểm mới và những lưu ý khi triển khai.

Cần thiết ban hành Nghị định mới

- Trước khi Nghị định số 35/2024/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT được thực hiện theo Nghị định số 27/2015/NĐ-CP. Sau 9 năm triển khai đã gặp những khó khăn, bất cập gì thưa bà?

Nghị định số 27/2015/NĐ-CP quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở các đơn vị có tổ chức Đảng và Công đoàn bộ phận chưa rõ ràng nên các bộ, ngành, địa phương triển khai không giống nhau. Có nhà giáo chỉ lấy phiếu tín nhiệm tại đơn vị cấp phòng (số lượng lấy phiếu tín nhiệm chỉ từ 3 - 5 người), chưa bảo đảm công bằng, khách quan và tạo ra sự bất cập vì số lượng quần chúng xin ý kiến để lấy phiếu tín nhiệm lại ít hơn so với số lượng thành viên hội đồng.

- Thực hiện Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ, từ năm 2015 đến nay đã tổ chức được 3 đợt xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT vào năm 2017, 2020 và 2023. Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng 82 NGND và 2.696 NGƯT. Tuy nhiên, Nghị định số 27/2015/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập trong quá trình thực hiện, cụ thể là:

Chưa quy định chi tiết tiêu chuẩn cho từng đối tượng nên một số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (gọi tắt là ứng viên) của cơ sở giáo dục đặc thù, trường chuyên biệt không đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng. Việc xây dựng tiêu chuẩn đối với giảng viên các trường cao đẳng còn cao, nhất là về đề tài khoa học và công nghệ, sáng kiến.

Trong khi trên thực tế số lượng giảng viên trường cao đẳng được giao chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, Bộ ít hơn so với giảng viên đại học; sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, Bộ của giảng viên cao đẳng cũng ít hơn so với giảng viên đại học.

TS Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT.

Vì vậy, 3 lần xét tặng vừa qua, số lượng giảng viên trường cao đẳng được phong tặng chỉ có 5 NGND và 10 NGƯT, chưa tương xứng với số lượng trường và giảng viên cao đẳng trong toàn quốc.

Chưa phân định rõ cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục nên việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho nhóm đối tượng này không phù hợp thực tiễn. Thực tế, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải thực hiện giảng dạy trực tiếp theo quy định về chế độ làm việc, tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên tại các nhà trường theo quy định.

Đối với viên chức được bổ nhiệm chức vụ quản lý hoặc kiêm nhiệm các công việc khác nhưng có mã số và chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, hưởng lương như giáo viên, giảng viên, cùng được hưởng các phụ cấp thâm niên, đứng lớp; tuy nhiên, tiêu chuẩn xét tặng thì để cùng nhóm cán bộ quản lý giáo dục là công chức nên chưa phù hợp.

Quy định người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đạt các tiêu chuẩn quy định và tập thể do cá nhân quản lý chỉ đạo phải đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc chưa phù hợp.

Trên thực tế, việc triển khai Luật Thi đua, khen thưởng ở các tỉnh, thành phố chưa đúng quy định do cách hiểu văn bản như một số đơn vị, cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng xét danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; hoặc khi được tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục thì không tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc nữa… gây khó khăn cho Hội đồng các cấp khi xét tặng.

Cách tính sáng kiến, đề tài cấp tỉnh, Bộ; nhánh đề tài cấp Nhà nước không được thay thế cho nhau gây thiệt thòi cho nhà giáo. Quy định nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhưng thực tế ngành Giáo dục còn danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giảng viên nghiệp vụ sư phạm giỏi, giáo viên, giảng viên đoạt giải tại các kỳ, cuộc thi, hội thi cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên...

Các quy định về nội dung, tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền tổ chức của các hội thi này tương đương nhau. Tuy nhiên, khi xét thành tích của nhà giáo thì không được tính để thay thế danh hiệu Chiến sĩ thi đua như danh hiệu giáo viên dạy giỏi.

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tuy tiêu chuẩn có giảm nhưng không quy định thời gian công tác ở vùng này. Có trường hợp hết thời gian công tác vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mới chuyển về vùng thuận lợi thì không được tính theo tiêu chuẩn của vùng này để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT; và ngược lại thì được tính.

Quy định 4 cấp hội đồng gồm: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp trên; Hội đồng cấp tỉnh, Bộ; Hội đồng cấp Nhà nước. Nhưng thực tế, đối với giáo viên mầm non, phổ thông phải thông qua 5 cấp hội đồng vì thêm 1 hội đồng chuyên ngành là Bộ GD&ĐT.

Kế thừa điểm phù hợp

- Theo bà, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP của Chính phủ ra đời có những điểm mới gì để khắc phục, hạn chế những bất cập nêu trên?

- Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định rõ hơn về cách tính thời gian xét tặng; xây dựng tiêu chuẩn xét tặng theo 7 nhóm đối tượng của các cấp học, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, trong đó một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo và bảng thành tích quy đổi.

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP không quy định việc thành lập Hội đồng xét tặng nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, đơn vị; việc lấy phiếu tín nhiệm, hướng dẫn khai hồ sơ do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị thực hiện.

Điều chỉnh Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng đại học quốc gia đề nghị trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, không qua Hội đồng chuyên ngành của Bộ GD&ĐT để thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, bảo đảm sự công bằng về số lượng cấp hội đồng đối với nhà giáo cấp học mầm non, phổ thông so với cấp học khác.

Điểm mới so với các cấp hội đồng trước đây là sau khi họp hội đồng, kết quả xét tặng được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng. Hội đồng cấp cơ sở có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của hồ sơ cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Một điểm mới nổi bật là hội đồng các cấp đánh giá uy tín về chuyên môn, tầm ảnh hưởng nhà giáo theo quy định tại khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 35/2024/NĐ-CP để báo cáo hội đồng cấp trên.

Bởi lẽ qua các lần xét tặng, nhiều ứng viên có đủ các tiêu chuẩn “cứng” theo quy định nhưng thực tế tiêu chuẩn về uy tín chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp tỉnh, là tấm gương sáng, nhà giáo mẫu mực, xuất sắc tiêu biểu trong đổi mới quản lý, giảng dạy chưa thực sự nổi bật nhưng vẫn được hội đồng cấp dưới đề nghị lên hội đồng cấp trên.

- Như vậy vẫn có sự linh hoạt trong khâu triển khai thẩm định hồ sơ ứng viên NGND, NGƯT?

- Một số quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP chưa bảo đảm tính chặt chẽ về kỹ thuật soạn thảo, không tường minh, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thẩm định thành tích và xét chọn của hội đồng.

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP bảo đảm tính kế thừa những điểm hợp lý của Nghị định số 27/2015/NĐ-CP; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và rà soát, đáp ứng các yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nói chung, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP đã khắc phục những hạn chế của Nghị định số 27/2015/NĐ-CP trong 3 lần xét tặng vừa qua, tạo căn cứ pháp lý và điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có tiêu chuẩn cụ thể phấn đấu, cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục các cấp có căn cứ xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến là những hạt nhân cho việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Do đó, Nghị định mới không có sự linh hoạt, xem xét tương đương, vận dụng mà chỉ có thẩm định đủ tiêu chuẩn hay không.

Cô trò Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm đèn Trung thu. Ảnh: NVCC - TG

Những lưu ý khi thực hiện

- Khi tổ chức thực hiện Nghị định số 35/2024/NĐ-CP của Chính phủ cần lưu ý những điểm gì ?

- Tại Nghị định 35/2024/NĐ-CP, chúng ta cần lưu ý về nguyên tắc xét tặng và cách tính thành tích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại Điều 4; đồng thời có 2 phụ lục bảng thành tích để quy đổi tương đương và thay thế lẫn nhau nên các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần đọc kỹ Nghị định để viết báo cáo thành tích cũng như các cấp hội đồng thẩm định thành tích tương đương.

Có một số tiêu chuẩn mới như biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng; quy định rõ về hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng sáng kiến trong Bộ, ban, ngành, tỉnh… để thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và tính lan tỏa, ảnh hưởng của nhà giáo tại địa phương nơi công tác.

Do đó, các cơ sở giáo dục và nhà giáo từ nay đến đợt xét tặng lần thứ 17 vào năm 2026 có thời gian để xác nhận thành tích theo yêu cầu về hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc tích lũy thành tích.

Để bảo đảm quyền lợi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định về việc chuyển tiếp (khoản 2 Điều 17) để trường hợp này nếu còn thiếu tiêu chuẩn về chủ trì biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng hay quy định rõ hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng sáng kiến trong Bộ, ban, ngành, tỉnh… thì được áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP.

Trường hợp các ứng viên tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại trường, điểm trường vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục địa phương, vận động nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh, được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 1 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét. Đối tượng quy định tại điểm này không phải thực hiện tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 35/2024/NĐ-CP.

Về lấy phiếu tín nhiệm đối với đơn vị có số công chức, viên chức và người lao động từ 500 người trở lên, người đứng đầu, giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng và tương đương tổ chức cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm (có thể trực tiếp hoặc trực tuyến).

Đối với số công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị không tham dự cuộc họp, người đứng đầu, giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng và tương đương quyết định hình thức lấy phiếu tín nhiệm cho phù hợp.

- Xin cảm ơn bà!

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Cụ thể, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang công tác tại vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.